Hiệp hội khách sạn Ấn Độ cấm khách Trung Quốc
Một trong những hiệp hội khách sạn lớn ở New Delhi cho biết các thành viên của họ sẽ cấm khách Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới.
Sandeep Khandelwal, chủ tịch Hiệp hội Chủ Nhà hàng và Khách sạn New Delhi, hôm nay cho biết 75.000 phòng khách sạn ở thủ đô Ấn Độ sẽ không nhận khách Trung Quốc và quyết định này nhằm "ủng hộ chính phủ của chúng tôi trong tình huống như chiến tranh với Trung Quốc".
"Tại sao chúng tôi phải để họ kiếm tiền từ Ấn Độ?", Khandelwal nói.
Hiệp hội, đại diện cho hầu hết các khách sạn ba và bốn sao ở thủ đô New Delhi, cũng sẽ khuyến khích các thành viên ngừng sử dụng sản phẩm của Trung Quốc.
Dù gần 300.000 người Trung Quốc đến Ấn Độ trong năm 2018, động thái tẩy chay này chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi các hạn chế đi lại ngăn Covid-19 khiến lượng khách nước ngoài tới Ấn Độ sụt giảm mạnh. Một số khách sạn vẫn đóng cửa dù lệnh phong tỏa đang dần được nới lỏng.
Người Ấn Độ giơ tờ giấy có dòng chữ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc trong cuộc biểu tình ở New Delhi tuần này. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, động thái này cho thấy thái độ phản đối Trung Quốc đang gia tăng ở Ấn Độ, đặc biệt là trên mạng xã hội, vốn đã tràn ngập lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sau vụ đụng độ ở biên giới khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Một số cuộc biểu tình cũng đã xảy ra.
Các hãng thương mại điện tử lớn, bao gồm Amazon của Mỹ, nơi bán khối lượng lớn các mặt hàng điện tử do Trung Quốc sản xuất, đã đồng ý hiển thị quốc gia xuất xứ hàng hóa là Ấn Độ trên nền tảng bán hàng của họ. Đầu tuần này, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh tất cả người bán hàng làm điều tương tự trên cổng thông tin GeM, được sử dụng cho các giao dịch mua hàng trị giá hàng chục tỷ USD.
Tập đoàn Xiaomi của Trung Quốc, thương hiệu điện thoại di động phổ biến hàng đầu ở Ấn Độ, đang dùng các biểu ngữ có dòng chữ "Sản xuất tại Ấn Độ" che logo trên cửa hàng ở các thành phố lớn.
"Lãnh đạo công ty yêu cầu chúng tôi làm điều này để bảo vệ cửa hàng khỏi những người biểu tình hoặc chính trị gia có thể gây thiệt hại cho tài sản vì sự phản đối Trung Quốc đang gia tăng", Jignesh, chủ một cửa hàng Xiaomi ở Mumbai cho biết. "Tuy nhiên nhu cầu đối với điện thoại thông minh không giảm và mọi người vẫn đang mua những thiết bị này".
Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm một số nguyên liệu thô quan trọng đối với các công ty dược phẩm Ấn Độ, cũng bắt đầu chất đống tại các cảng và sân bay Ấn Độ vì kiểm tra hải quan nghiêm ngặt hơn.
Căng thẳng biên giới Ấn - Trung gia tăng sau đụng độ khiến hàng chục binh sĩ hai nước thương vong hồi tuần trước tại thung lũng sông Galwan. Đây là lần đụng độ chết người đầu tiên sau vụ Trung Quốc phục kích bắn chết lính Ấn Độ ở LAC năm 1975.
Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực giảm căng thẳng ở khu vực biên giới bằng thỏa thuận rút quân khỏi khu vực tranh chấp ở Galwan. Tuy nhiên, nguồn tin chính phủ Ấn Độ hôm nay cho biết Trung Quốc đang điều thêm binh sĩ cùng nhiều khí tài hạng nặng đến một điểm nóng khác là vùng đồng bằng Depsang ở phía bắc Galwan. Hai nước chưa bình luận về thông tin này.
Hotline